Đại lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm để kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Do đó, lễ Phật Đản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những quốc gia, người theo đạo Phật.
Tại Việt Nam, cứ đến ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch là những người con Phật lại hành hương về các ngôi chùa lớn để tham dự lễ Phật Đản, thực hiện nghi thức tắm Phật linh thiêng.
Để giúp quý độc giả hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như lịch sử lễ Phật Đản tại Việt Nam, Tượng Phật Đá Cao Trang xin chia sẻ những thông tin chúng tôi nghiên cứu được qua bài viết dưới đây. Mời bạn đọc hoan hỷ theo dõi.
Cập nhật ngày diễn ra Đại lễ Phật Đản năm 2023:
-Ngày diễn ra Đại lễ Phật Đản theo Bắc Tông: ngày 8 tháng 4 Âm lịch, tức ngày 26 tháng 5 Dương lịch
-Ngày diễn ra Đại lễ Phật Đản theo Nam Tông: ngày 15 tháng 4 Âm lịch, tức ngày 2 tháng 6 Dương lịch
Đại lễ Phật Đản là gì
Ngày Phật Đản hay Phật Đản Sanh là một trong ba ngày lễ lớn nhất của Phật giáo. Đây là ngày lễ được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca sinh ra. Nói nôm na, ngày Phật Đản Sanh giống như ngày sinh nhật của Đức Phật vậy.
Trong bài viết về lịch sử Đức Phật Thích Ca có cho biết, Phật Thích Ca được sinh ra trong thân phận là hoàng tử Tất Đạt Đa (Gautama Siddhattha). Ngài là con trai của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, thuộc bộ tộc Thích Ca (một bộ tộc cổ xưa của xứ Ấn Độ) tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Hoàng hậu Ma Da trong chuyến hành trình về quê ngoại để chuẩn bị sinh nở theo truyền thống, khi đi đến vườn Lâm Tỳ Ni thì trở dạ và sinh ra thái tử Tất Đạt Đa, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca và sáng lập ra đạo Phật ngày nay.
Tượng Phật đản sanh bằng đá do Cao Trang chế tác
Nguồn gốc ra đời của lễ Phật Đản
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, tức Phật giáo truyền từ Trung Hoa, chỉ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Trong khi đó, theo truyền thống Phật giáo Nam tông, tức Phật giáo truyền từ Ấn Độ, và Phật giáo Tây Tạng thì ngày lễ Phật Đản được gọi là Vesak hay Tam Hiệp, kỷ niệm 3 dấu mốc quan trọng trong cuộc đời đức Phật là ngày Phật Đản, ngày Phật thành đạo, ngày Phật nhập Niết bàn.
Lễ Phật Đản có lịch sử lâu đời, có khi phải trên dưới 2.000 năm bởi Phật Thích Ca đã được sinh ra vào năm 624 trước Công nguyên (TCN), tính đến nay đã gần 2.700 năm.
Hầu hết các quốc gia có truyền thống Phật giáo, dù là Bắc truyền hay Nam truyền đều chọn một ngày trong năm để cử hành lễ Phật Đản.
Đơn cử, tại các nước Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật Đản diễn ra vào ngày trăng tròn trong tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu, đối chiếu theo Tây lịch sẽ rơi vào tầm tháng 4 hoặc tháng 5. Lễ hội này được gọi là Visakah Puja hay Buddha Purnima, Buddha Jayanti có nghĩa là ngày sinh nhật của Phật.
Tại Thái Lan, ngày Phật Đản được gọi là Visakha Bucha. Người Indonesia gọi ngày này là Waisak, người Lào gọi là Visakha Bouxa, người Myanmar gọi là Ka sone la pyae. Trong khi đó, người Tây Tạng gọi là Saga Daw.
Vì có quá nhiều tên gọi và ngày tổ chức nên tại Đại hội Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists – WFB) diễn ra từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 8 tháng 6 năm 1950 tại Colombo, Sri Lanka, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia thành viên đã thống nhất chọn ngày Rằm tháng Tư âm lịch (15/4) hàng năm làm ngày tổ chức đại lễ Phật Đản.
Gần nửa thế kỷ sau đó, vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo mang tầm quốc tế của Liên Hợp Quốc. Theo đó, từ năm 2000 trở đi, Đại lễ này sẽ được tổ chức hàng năm tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.
Lễ Phật Đản diễn ra chính xác vào ngày nào
Theo Đại đức Thích Minh Phú, tại các quốc gia theo Phật giáo Bắc truyền như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, lễ Phật Đản được tổ chức nhằm ngày 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Trong khi đó, các nước theo Phật giáo Nam truyền thì chọn ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm, tức ngày Rằm tháng Tư, để tổ chức đại lễ quan trọng này.
Tại Việt Nam, đại lễ Phật Đản thường kéo dài trong vòng 1 tuần lễ, bắt đầu vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch cho đến ngày 15 tháng 4 âm lịch. Như vậy là vừa hay tương ứng với ngày lễ Phật Đản được thế giới công nhận, cả theo Nam tông và Bắc tông.
Ý nghĩa của lễ Phật Đản đối với Phật giáo
Sự ra đời của Đức Phật Thích Ca có thể coi là dấu mốc quan trọng trong toàn bộ tiến trình lịch sử loài người nói chung và lịch sử tôn giáo thế giới nói riêng. Do đó, lễ kỷ niệm ngày Ngài được sinh ra trên thế gian mang ý nghĩa vô cùng linh thiêng.
Thượng tọa Thích Tâm Hải cho hay, Đức Phật Thích Ca là một con người vĩ đại hiếm có trong lịch sử. Ngài sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, từ bé đã được hưởng cuộc sống giàu sang, sung sướng và được định sẵn là người sẽ thừa kế ngai vàng của vua cha Tịnh Phạn.
Thế nhưng Ngài lại khước từ tất cả vinh hoa phú quý để xuất gia tu hành, dấn thân chứng nghiệm và khám phá ra 4 sự thật của cuộc đời gồm: khổ, nguyên nhân của sự khổ, chấm dứt sự khổ và phương pháp chấm dứt sự khổ (Tứ Diệu Đế): Nếu có ý chí thì ngay trong cuộc đời này, con người có thể đạt được hạnh phúc thật sự nhờ chánh niệm và thực hành thiền định.
Có thể bạn quan tâm và muốn chiêm ngưỡng một số mẫu tượng phật bằng đá. Hãy bấm vào xem nhé!
Những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật vượt qua tất thảy giáo điều thông thường, vượt thời gian để trở thành “kim chỉ nam” cho những ai muốn đạt được chân hạnh phúc cho chính mình và cho cả cộng đồng.
Nói về ý nghĩa của lễ Phật Đản, Thượng tọa Thích Tâm Hải nói như sau: “Đại lễ Phật Đản là dịp tổ chức không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà hơn thế nữa, là cơ hội để ôn lại cuộc đời của Ngài trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của Ngài. Từ đó để mỗi người nhận ra rằng những điều tốt đẹp nhất, giác ngộ và giải thoát, là điều mà ai cũng có thể đạt tới được. Đó không phải là sự ban phát bởi một đấng siêu nhiên nào đó. Tin để sống theo, từ đó từng bước có được giá trị hạnh phúc thực sự, sống an lạc giữa đời mà không còn lo âu, sợ hãi; không bị danh vọng, tiền bạc, sự hưởng thụ… nhấn chìm”.
Lược sử lễ Phật Đản tại Việt Nam
Lễ Phật Đản tại Việt Nam cũng đã có lịch sử rất lâu đời.
Trong bài viết có nhan đề “Lễ Phật Đản đôi điều cần biết” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Phật học số ra ngày 15/05/2009 của tác giả Lê Khanh có đề cập, ngay từ buổi hừng đông của lịch sử Phật giáo tại Việt Nam, lễ Phật Đản đã trở thành một lễ hội lớn, phong tục tập quán của dân tộc và được tổ chức long trọng.
Có câu ca dao như sau:
“Dù ai buôn bán đâu đâu
Nhớ ngày Phật đản rủ nhau mà về”
hay câu:
“Dù ai buôn bán đâu đâu
Tháng tư ngày tám rủ nhau hội chùa”
Nhiều tài liệu sử cũng có ghi chép về việc người Việt xưa đã có tục tổ chức lễ Phật đản. Chẳng hạn trong Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn có chép: “Người xã Cổ Châm hằng năm hội họp ở chùa Thiên Định mừng lễ Phật đản”. Chùa Thiên Định còn có tên là chùa Pháp Vân hay Duyên Ứng thuộc thành Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh). Nên biết rằng, thành Luy Lâu là thủ phủ của Giao Chỉ (tên nước ta thời Bắc thuộc) ngay từ 111 TCN đến 106 TCN – cũng là nơi Phật giáo đầu tiên truyền bá đến nước ta, trước cả khi truyền đến Trung Quốc.
Đến thời Lý (1010 – 1225), triều đại rất sùng bái Phật giáo, các vua Lý đã cử hành lễ Phật đản ở chùa Diên Hựu (nay là chùa Một Cột, Hà Nội). Hay như năm 1601, chúa Tiên Nguyễn Hoàng (tổ tiên của nhà Nguyễn) đã cho làm lễ Phật đản tại chùa Sùng Hóa. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu cũng có ghi chép về việc tổ chức lễ Phật đản.
Năm 1958, lễ Phật đản đã được chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thông qua là một ngày nghỉ lễ chính thức tại miền Nam Việt Nam. Vào ngày này thường có xe hoa diễu hành trên đường phố. Sau năm 1975 thì ngày này không còn được xem là ngày lễ quốc gia nữa.
Nhưng hiện nay, lễ Phật đản đã được khôi phục vị thế là một ngày lễ quan trọng của cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước xe hoa, nghi thức tắm Phật, ăn chay… Vào các năm 2008, 2014, 2019, Việt Nam được Liên Hợp Quốc chọn là nơi tổ chức đại lễ Phật đản cho toàn thế giới.
Lời kết
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về những điều nhiều người không biết về lễ Phật đản. Mong rằng những chia sẻ trên đã cung cấp thông tin hữu ích cho bạn.
>>> Xem thêm:
Nếu bạn có tâm nguyện thỉnh tượng phật đá để cúng dường hoặc thờ tại gia, hãy liên hệ với Tượng Phật Đá Cao Trang theo địa chỉ:
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
TƯỢNG PHẬT ĐÁ CAO TRANG
Address: 155 Văn Tân – P. Hòa Hải – Q Ngũ Hành Sơn
Phone: 0983 969 199 – 0989.006.833
Email: admin@tuongphatda.vn
Website: www.tuongphatda.vn