Chúng ta được nghe, đọc nhiều về chánh niệm. Rằng chúng ta nên thực hành sống có chánh niệm từ những hành động nhỏ nhặt như thở, ăn, ngủ, đi… sẽ mang lại hạnh phúc thật sự. Vậy chánh niệm là gì? Ý nghĩa và lợi lạc của việc thực hành chánh niệm ra sao?
Trong bài viết này, Tượng Phật Đá Cao Trang sẽ tổng hợp các giải thích của các vị thầy, thiền sư về thế nào là chánh niệm một cách giản đơn để giúp bạn đọc hiểu về sống chánh niệm là gì.
Chánh niệm là gì
Có nhiều cách giải thích “Chánh niệm là gì?” được nhiều vị thiền sư, vị thầy Phật giáo đưa ra. Đơn cử, cố thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Chánh niệm là khi cái tâm ta trở về hiện tại và ta biết được điều gì đang diễn ra trong giờ phút hiện tại”.
Xem cố thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng chánh niệm là gì
Hay trong cuốn “Sức mạnh của chánh niệm” (Tiếng Anh: The power of mindfulness) viết bởi Đại trưởng lão Thiền sư Nyanaponika, dịch bởi sư Pháp Tâm, xuất bản năm 2012 có ghi chép định nghĩa về chánh niệm như sau:
“Chánh niệm, hiểu một cách đơn giản, là sự ý thức về bản thân mình, là sự chú ý và quan sát một cách khách quan, như thật (ghi nhận thuần túy) những gì xảy ra trong thân và tâm mình trong hiện tại: các cử động của cơ thể, các tính chất-cảm giác: nóng – lạnh, cứng – mềm, sự chuyển động…, cảm giác xúc chạm trên thân, cảm giác thở; các cảm xúc: buồn, giận, mừng, vui, cô đơn, tham dục… cho đến những hoạt động tâm lý vi tế: suy nghĩ, tưởng tượng, cơ chế phiền não, những chiều hướng tâm lý, định kiến, chấp thủ, ảo tưởng…
Chánh niệm, có thể nói là trung tâm của phương pháp tu tập tâm do Đức Phật thuyết dạy, dẫn đến phát triển trí tuệ trực giác, nhận chân được sự thật tuyệt đối của thân – tâm chúng ta là vô thường, khổ, vô ngã, do đó đoạn diệt tận gốc rễ những gốc phiền não – đau khổ (kiết sử) trong tâm con người.”
Hay như trong cuốn “Chánh niệm cơ bản” của thiền sư Henepola Gunaratana định nghĩa chánh niệm là “một tiến trình vi tế mà bạn đang dùng trong giây phút hiện tại”.
Từ những lời kiến giải thâm sâu của các vị thầy, thiền sư về chánh niệm, Tượng Phật Đá Cao Trang mạn phép đúc rút ra định nghĩa chánh niệm là gì theo cách hiểu còn hạn hẹp của chúng tôi là: “Chánh niệm là nhận thức thuần túy về suy nghĩ, hành động, cảm xúc, cảm giác của chúng ta ở ngay tại thời điểm hiện tại”.
4 nền tảng của chánh niệm là gì
Theo thiền sư Henepola Gunaratana, chánh niệm có 4 nền tảng (gọi là “Tứ niệm xứ”) bao gồm: thân, cảm giác, tâm và pháp. Trong đó,
- Chánh niệm về thân: Chánh niệm hơi thở; chánh niệm bốn tư thế: đi, đứng, ngồi, và nằm; chánh niệm bằng sự hiểu biết rõ ràng: về điều gì là lợi lạc, về sự phù hợp, về các yếu tố tứ đại của thân, về sự vô – si; quán niệm về ba mươi hai bộ phận của thân; phân tích về bốn yếu tố tứ đại; quán niệm về chín loại tử thi.
- Chánh niệm về cảm giác: Những cảm giác dễ chịu, khó chịu và trung tính, trần tục và tâm linh. Tỉnh giác về sự thể hiện, sự khởi sinh, và sự biến mất của những cảm giác.
- Chánh niệm về tâm: Biết rõ tâm là: tham hay không tham, sân hay không sân, si hay không si, thụ động hay xao lãng, phát triển hay không phát triển, cao thượng hay không cao thượng, tập trung hay không tập trung, giải thoát hay không giải thoát. Tỉnh giác về sự thể hiện, sự khởi sinh, và sự biến mất của chúng.
- Chánh niệm về pháp: Chánh niệm về pháp bao gồm 6 điều sau:
- 5 chướng ngại: Nhục dục, ác ý, lười biếng và buồn ngủ, bất an và lo lắng, nghi ngờ. Tỉnh giác về sự thể hiện, sự khởi sinh, và sự biến mất của nó.
- 5 tập hợp uẩn dính chấp: Thân sắc, những cảm giác, những nhận thức, những hành vi của tâm, và thức. (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Tỉnh giác về sự thể hiện, sự khởi sinh, và sự biến mất của chúng.
- 6 cơ sở giác quan bên ngoài và trong: Mắt và đối tượng của mắt, tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và mùi vị, thân và những đối tượng chạm xúc, tâm và những đối tượng của tâm. Biết rõ về chúng, và sự khởi sinh, sự từ bỏ, và sự không khởi sinh trở lại của những gông cùm bắt nguồn từ cả hai giác quan và đối tượng.
- 7 yếu tố giác ngộ: Chánh niệm, điều tra về pháp, năng lực tinh tấn, niềm hoan hỷ, sự tĩnh lặng, chánh định, và sự buông xả. Biết rõ về sự có mặt, sự khởi sinh, và sự phát triển của chúng.
- 4 chân lý hay Tứ diệu đế: Khổ, nguồn gốc khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ.
- Bát chánh đạo: Hiểu biết đúng đắn, suy nghĩ đúng đắn, ngôn từ đúng đắn, hành động đúng đắn, nghề nghiệp đúng đắn, nỗ lực đúng đắn, chánh niệm, và chánh định.
Giá trị của chánh niệm
Trong cuốn “Chánh niệm trong từng khoảnh khắc”, thiền sư Sayadaw U Tejaniya viết về giá trị của chánh niệm “là để có thái độ chân chánh, hiểu về bản chất của các hiện tượng tự nhiên (Pháp) và để tận diệt các phiền não”.
Nói cách khác, chánh niệm có thể xem như là một công cụ, phương tiện để chúng ta xua đi những phiền não, khổ đau và hướng đến trạng thái hạnh phúc thật sự.
Chú Vãng Sanh Tiếng Việt Tiếng Phạn Đầy Đủ
Lợi ích của lối sống và thực hành chánh niệm
Có thể khẳng định, thực hành lối sống chánh niệm mang lại nhiều lợi lạc cho cuộc sống của chúng ta. Thông qua việc rèn luyện khả năng tập trung, chánh niệm không chỉ nâng cao sức khỏe tinh thần mà còn hỗ trợ trong các lĩnh vực hàng ngày, công việc, mối quan hệ và sức khỏe thể chất. Cụ thể, chánh niệm mang đến những lợi ích quan trọng sau đây:
- Cải thiện trí nhớ: Chánh niệm giúp tăng khả năng ghi nhớ và khôi phục thông tin.
- Giúp ngủ ngon: Thực hành lối sống chánh niệm giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp bạn thức dậy cảm thấy tỉnh táo hơn.
- Cải thiện khả năng nhận thức: Bằng cách tập trung vào hiện tại, chánh niệm giúp bạn nhận biết và hiểu rõ hơn về môi trường và trạng thái của bản thân.
- Tạo ra trạng thái hạnh phúc chân thật: Chánh niệm giúp tạo ra trạng thái tĩnh lặng và niềm vui sâu sắc từ việc sống chân thành với hiện tại.
- Kiểm soát nóng giận tốt hơn: Chánh niệm giúp bạn kiểm soát cảm xúc tiêu cực như nóng giận và đạt được sự bình tĩnh và sự kiên nhẫn.
- Giảm stress, lo lắng và trầm cảm: Thực hành chánh niệm giúp giảm bớt căng thẳng, lo lắng và trầm cảm, mang đến sự thư thái và cân bằng tinh thần.
- Giảm chứng đau nửa đầu và đau mãn tính: Chánh niệm có thể giảm nhẹ triệu chứng đau nửa đầu và đau mãn tính.
- Cải thiện mối quan hệ: Bằng cách tạo ra kết nối và tương tác tốt với mọi người, chánh niệm cải thiện các mối quan hệ và gắn kết xã hội.
- Giảm cân và cải thiện rối loạn ăn uống: Chánh niệm giúp tập trung vào cảm giác đói và hương vị của thức ăn, từ đó giúp kiểm soát việc ăn uống quá mức và cải thiện rối loạn ăn uống.
Từ chánh niệm đến giác ngộ
“Từ chánh niệm đến giác ngộ” là một quá trình tu dưỡng đạo đức, trí tuệ để phát triển và hoàn thiện lối sống của bản thân mỗi con người. Để thực hành chánh niệm đúng đắn cần dựa trên nền tảng của “Tứ niệm xứ” bao gồm: Quán thân trên thân; quán thọ trên các thọ; quán tâm trên tâm và quán pháp trên các pháp.
Chánh niệm được xem là phép lạ có thể mang lại cho người thực hành cảm giác hạnh phúc ngay trong mỗi giây, mỗi phút được sống trong hiện tại.
Ai có thể thực hành lối sống chánh niệm
Chánh niệm là một khái niệm xuất phát từ Phật giáo. Vì vậy nhiều người cho rằng chỉ người học Phật, tu Phật, hướng Phật mới có thể thực hành sống chánh niệm.
Đây là quan niệm rất đỗi thiếu sót. Lối sống chánh niệm dành cho mọi người và có thể phát huy lợi lạc với mọi người, từ người nông dân, người bán ve chai hay các bậc trí thức như bác sĩ, học sĩ, nếu biết thực hành đúng đắn.
>>> Tham khảo Xá Lợi Là Gì Mà Không Phải Ai Tu Hành Cũng Có
Cách thực hành chánh niệm cho mọi người
Một số phương pháp thực hành chánh niệm đơn giản mà không cần bạn phải một nhà tu hành đạo hạnh cao thâm hay bậc trí giả học thức uyên bác cũng có thể làm theo là:
Thực hành thở trong chánh niệm
Để thực hiện chánh niệm đối với hơi thở, bạn thử làm theo hướng dẫn rất đơn giản sau đây:
- Bước 1: Ngồi thẳng lưng nhưng thư giãn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chánh niệm.
- Bước 2: Tập trung quan sát hơi thở của bạn.
- Bước 3: Tiếp tục hít vào và thở ra một cách tự nhiên, đồng thời chú ý đến khoảng thời gian giữa mỗi lần hít vào và thở ra.
- Bước 4: Cảm nhận sự mở rộng của phổi và sự chuyển động của bụng mỗi khi bạn hít thở.
(*) Trong quá trình thực hành quán sát hơi thở với chánh niệm mà bạn cảm thấy sự tập trung bị mất đi, hãy nhẹ nhàng đưa sự chú ý của bạn trở lại vào hơi thở.
Thực hành quan sát suy nghĩ và cảm xúc của bản thân trong chánh niệm
Chánh niệm không phải liệu pháp giải tỏa căng thẳng tinh thần nhưng nó có khả năng giúp bạn nhận thức và hiểu rõ rằng những căng thẳng và lo lắng sẽ tồn tại và trôi qua.
Để thực hành chánh niệm, dưới đây là những bước bạn có thể áp dụng:
- Bước 1: Tự đặt câu hỏi rằng: “Điều gì đang xảy ra với tôi hiện tại?” và “Tại sao tôi đang trải qua tình trạng này?”
- Bước 2: Gọi tên cho các suy nghĩ và cảm xúc của bạn, ví dụ: “Đây là một trạng thái sợ hãi”. Trong quá trình này, bạn chớ phán xét bản thân. Thay vào đó, hãy quan sát và đánh giá xem mức độ lo lắng hiện tại có thực sự nghiêm trọng hay không.
- Bước 3a: Nếu nhận thấy rằng những căng thẳng và lo lắng này không đáng lo ngại, bạn có thể lướt qua chúng và tập trung vào cuộc sống hiện tại của mình.
- Bước 3b: Nếu bạn cho rằng những căng thẳng này nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, tìm người thân, bạn bè để tâm sự, hoặc tìm kiếm sự tư vấn từ người có kinh nghiệm (như người cố vấn, người hướng dẫn).
Thực hành ăn uống trong chánh niệm
Ăn uống chánh niệm đơn giả là tập trung hoàn toàn vào bữa ăn của chính mình mà làm hay suy nghĩ bất kỳ việc gì khác. Khi ăn trong chánh niệm, bạn không sử dụng điện thoại, không nghe nhạc, chat hay xem TV…
Để thực hiện ăn uống chánh niệm, dưới đây là những bước bạn có thể tuân thủ:
- Bước 1: Quan sát hình thức và màu sắc của món ăn, nhận thức về trang trí, trình bày món ăn.
- Bước 2: Cảm nhận mùi hương và vị giác của thức ăn, để ý đến các chi tiết về hương vị, độ chua, độ mặn hay độ ngọt.
- Bước 3: Nếu cảm thấy đã no, hãy ngừng ăn thay vì cố gắng ăn sạch sẽ những gì còn lại trên đĩa.
Thực hành bước đi trong chánh niệm
Bạn có thể thực hành đi bộ trong chánh niệm bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tại bất kỳ đâu. Lúc đầu bạn hãy đi bộ từ từ, nhưng khi thành thạo, bạn có thể thực hiện đi bộ chánh niệm ở bất kỳ tốc độ nào, kể cả trong những lúc hối hả.
Để thực hiện đi bộ chánh niệm, dưới đây là những điều bạn cần làm:
- Bước 1: Nhận biết cảm giác ở lòng bàn chân khi tiếp xúc với mặt đất.
- Bước 2: Cảm nhận những nhóm cơ bắp trên cơ thể hoạt động để thực hiện chuyển động khi bạn đi bộ. Nếu tâm trí xao nhãng, hãy sử dụng cảm giác tiếp xúc của bàn chân trên mặt đất như một điểm neo để đưa bạn trở lại hiện tại.
(*) Hãy cố gắng dành ít nhất 1-2 phút mỗi ngày để thực hành đi bộ trong chánh niệm.
Một số mẹo khi thực hành chánh niệm
Nếu gặp trở ngại khi thực hành lối sống chánh niệm, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau:
- Tập trung cao độ vào một việc duy nhất đang làm ở hiện tại chứ không nên làm nhiều việc một lúc (multitask). Xong việc này mới tiếp tục làm sang việc khác.
- Tránh tự phán xét, đánh giá bản thân nếu trong quá trình thực hành, tâm trí của bạn liên tục bị xao nhãng. Hãy hiểu rằng đây là việc bình thường do bạn chưa thực hành đủ tinh tấn mà thôi. Hãy kiên trì luyện tập, bạn sẽ đạt được chánh niệm.
- Thiết lập lịch trình thực hành chánh niệm đều đặn mỗi ngày để hình thành thói quen, từ thói quen chuyển hóa thành bản năng. Giả dụ, bạn chọn thời gian dùng bữa để thực hành chánh niệm hay thời gian đi dạo mỗi buổi sáng.
Lưu ý khi áp dụng chánh niệm
- Chánh niệm dành cho mọi người nhưng không có nghĩa phương pháp này phù hợp với mọi người.
- Chánh niệm không phải phương pháp trị liệu các bệnh tâm thần.
Với những chia sẻ trên đây về chủ đề “Chánh niệm là gì“, tuongphatda.vn mong rằng đã đóng góp cho bạn đọc một góc nhìn thú vị và mới mẻ về một lối sống đang khá thịnh hành hiện nay.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
TƯỢNG PHẬT ĐÁ CAO TRANG
Address: 155 Văn Tân – P. Hòa Hải – Q Ngũ Hành Sơn
Phone: 0983 969 199 – 0989.006.833
Email: admin@tuongphatda.vn
Website: www.tuongphatda.vn